Kiến trúc Baroque là gì?
Kiến trúc Baroque (Ba Rốc) là thuật ngữ dùng để mô tả phong cách xây dựng của thời kỳ Baroque, Ý. Bắt đầu từ cuối thế kỷ 17, trên cơ sở kế thừa ngôn ngữ của kiến trúc thời Phục hưng, các nhà nghệ sĩ, kiến trúc sư đã sáng tạo ra một phong cách mới mang tính chất hùng biện, sân khấu. Phong cách này thường dùng để phô trương sức mạnh của Nhà thờ và chính quyền chuyên chế. Kiến trúc Baroque đã trở nên phức tạp và cầu kỳ hơn với hình dáng, ánh sáng và bóng với cường độ mạnh.
Nghệ thuật kiến trúc Baroque đi ngược lại với lối nghệ thuật kiến trúc thời Phục Hưng. Kiến trúc Phục Hưng khá cứng nhắc do thừa hưởng từ Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại trong khi Baroque lại nhấn mạnh đến hiệu quả ảnh ảo, làm cho công trình có chiều sâu sâu hơn, chiều dài dài hơn.
Đặc trưng của kiến trúc Baroque: Sự kịch tính và mãnh liệt
Đặc trưng của kiến trúc Baroque là “ánh sáng phóng đại, cảm xúc mãnh liệt, thoát khỏi sự kiềm chế và thậm chí là một loại chủ nghĩa giật gân nghệ thuật”. Kiến trúc Baroque không mô tả phong cách sống của người dân tại thời điểm đó. Tuy nhiên, lối kiến trúc này lại gắn bó chặt chẽ với phong trào phản cải cách tôn giáo, do đó, phong cách này tái khẳng định và cường điệu hóa chiều sâu cảm xúc của đức tin Công giáo và vinh danh nhà thờ và chế độ quân chủ”. Phong cách Baroque như một lời đáp trả đối với cải cách Tin Lành.
Đặc điểm của nghệ thuật kiến trúc Baroque là sự hùng vĩ, lộng lẫy, tráng lệ, sự hưng phấn của tinh thần và cảm xúc mãnh liệt, phong cách này cũng coi trọng hiệu quả của thị giác, sự hòa hợp giữ hiện thực và hư ảo, sự tương phản giữ bóng tối và ánh sáng, giữ tỉ lệ và nhịp điệu của vật liệu. Đặc trưng của kiến trúc Baroque đạt tới sự thống nhất nghệ thuật với nghệ thuật trang trí hoành tráng, gây ấn tượng mạnh, mặt bằng cầu kì kết hợp với những đường cong lượn mềm mại.
Tinh thần Baroque trong kiến trúc Việt Nam
Xét trên khía cạnh tương đồng về tính sáng tạo, sự phóng túng mà kiến trúc Baroque hàm chứa, có thể kể đến các khối chạm khắc đình làng trong những công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 16. Nếu các kiến trúc thờ tự Phật giáo thiên về tính trau chuốt, kinh điển thì ở rất nhiều ngôi đình làng, mặc dù nhang nhác giống nhau, nhưng mỗi nơi những người thợ thủ công đã tạo tác những sản phẩm điêu khắc độc đáo, trên bức ván cốn, đầu bảy, đầu kèo, cho đến những đầu đao được chạm trổ kỳ khu với tất cả tâm tình. Nét phóng túng không chỉ nằm ở đề tài: cảnh sinh hoạt như hứng dừa, cảnh hội hè phồn thực, cảnh thần tiên,… mà còn ở lối thể hiện dân dã, giản dị và nhất là hài hoà với tổng thể. Tiếng nói phồn thực hay hóm hỉnh nào cũng có mẫu số chung với tâm thức “văn hóa dân gian” của cộng đồng làng xã. Nó có dáng vẻ Baroque khi tương phản với những chủ đề mực thước, nghiêm cẩn, khuôn sáo của các phạm trù “tứ quý, tứ bình, tứ linh” cho đến đề tài “ngũ thường, ngũ hành” của Nho giáo.
Dĩ nhiên, kiến trúc không chỉ có Baroque thì mới phóng túng, mới sáng tạo, mới cách tân. Nhưng nhìn ở khía cạnh nhộn nhịp và phong phú bên ngoài của bộ mặt kiến trúc hiện nay, tinh thần Baroque dường như cần được hiểu cho đến nơi. Nếu không, sẽ chỉ là những suy thoái về mặt năng lực kiến trúc, không chỉ ở phương diện hình thức mà còn ở trong tận nội dung. Thiếu một cách sáng tạo phóng túng, có thể chỉ khiến cho công trình quá công năng thuần túy, nhưng thiếu một cách nghĩ mang tinh thần Baroque, là thiếu hẳn một sức bật để ra được những công trình vượt lên khuôn mẫu tầm thường.